Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2020

Cách nào 'cứu' ngành du lịch tỷ đô

Nếu dịch Covid-19 kết thúc trong quý I, kịch bản lạc quan hiện nay theo ước tính của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, ngành du lịch sẽ thiệt hại khoảng 2,3 tỷ USD. Nhưng con số này tăng lên 5 tỷ USD nếu dịch kéo dài hết quý II.

Năm 2003, khi dịch SARS bùng phát, du lịch mới chỉ đóng góp trực tiếp 4% GDP. Khi ấy, 400.000 du khách nước ngoài huỷ tour đến Việt Nam. Trong khi đó, Covid-19 xảy ra trong bối cảnh ngành này đã đóng góp trực tiếp 9,2% GDP và mức đóng góp gián tiếp, lan tỏa vào GDP Việt Nam có thể lên đến 18%. Vì vậy, dịch do virus corona lần này được dự báo tác động nặng nề với ngành du lịch Việt Nam hơn SARS.

Khách sạn ở Nha Trang khử trùng phòng chống virus corona. Ảnh: An Phước.

Khách sạn ở Nha Trang khử trùng phòng chống virus corona. Ảnh: An Phước.

Khảo sát ban đầu của Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) cho thấy, hiện tỷ lệ lấp đầy khách sạn giảm 20-50%, riêng tại Nha Trang (Khánh Hoà) giảm 98% so với cùng kỳ năm ngoái. Các công ty lữ hành cũng mất 50% khách. Mảng MICE (hội nghị, hội thảo, triển lãm) bị thiệt hại nặng nhất do nhiều công ty quốc tế lớn cấm cán bộ, nhân viên đi nước ngoài.

Ngoài lưu trú, khách sạn, các hãng hàng không cũng điêu đứng, mức sụt giảm 50% với lượng đặt chỗ chuyến bay quốc tế và 40% chuyến bay nội địa. Theo ước tính, thiệt hại cũng lên tới 10.000 tỷ đồng .

Do đó, TAB mới đây vừa gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bản kiến nghị với một loạt đề xuất để "cứu" ngành du lịch. Đầu tiên, Hội đồng này đề dịch thuật nghị Chính phủ áp dụng loạt chính sách như miễn thị thực và kéo dài thời hạn thị thực lên 30 ngày, cho phép trở lại bất kỳ lúc nào với các nước thuộc châu Âu, Australia, Canada. Theo TAB, đây là các thị trường có thể là điểm sáng của ngành du lịch lúc này, bởi lượng khách đang ghi nhận mức giảm ít nhất không chỉ với du lịch mà cả hàng không.

Theo TAB, từ nay đến khi Việt Nam công bố ngăn chặn hoàn toàn dịch Covid-19, Chính phủ cần tăng cường các hoạt động quảng bá ở thị trường đường dài như châu Âu, Canada, Australia... Việc này cần duy trì cả đến khi thế giới hết dịch.

Khi dịch được ngăn chặn hoàn toàn trên toàn cầu, ngành du lịch cần tăng công suất và đẩy mạnh các chương trình quảng bá tại Trung Quốc, Đông Nam Á, song song với hoạt động quảng bá thị trường nội địa và các thị trường châu Âu, Mỹ, Australia...

Ngay lập tức, cũng cần có cơ quan, trang web cung cấp thông tin về quy định về kiểm soát cửa khẩu, kiểm tra phòng dịch cho du khách dự định đến Việt Nam bằng ít nhất tiếng Anh, tiếng Việt.

Bên cạnh đó là giảm thuế VAT du lịch từ 10% xuống 5%, cho phép nộp thuế chậm từ 6 lên 12 tháng; miễn khoản đóng bảo hiểm xã hội, hoãn nộp thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp cho tới khi dịch Covid-19 kết thúc. Cùng đó, giảm một nửa tiền sử dụng đất cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong hai năm 2020-2021.

Ngoài ra, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, như xây dựng sân bay Long Thành, nâng cấp các cảng hàng không Tân Sơn Nhật, Phú Bài, Đồng Hới, mở rộng sân bay Nội Bài...

Anh Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét